Lượt xem: 22571

Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện quyền của trẻ em theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong các di sản về tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có nhiều bài viết Người đề cập đến trẻ em và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Điều đó chứng tỏ trẻ em luôn có vị trí vô cùng đặc biệt đối với Người. Những quan điểm đúng đắn ấy là tiền đề vững chắc, là kim chỉ Nam soi đường cho Đảng, Nhà nước ta đề ra đường lối, chính sách pháp luật thực hiện quyền của trẻ em Việt Nam đến tận hôm nay.


Bác Hồ với các cháu thanh, thiếu nhi. Ảnh tư liệu

    Có thể thấy, ngay từ sớm, Người đã nhận thấy trẻ em là một đối tượng có các quyền cơ bản của một con người và cần được tôn trọng. Theo Người, quyền của trẻ em gắn liền với quyền dân tộc, dân tộc không được giải phóng thì trẻ em không được bảo vệ, chăm sóc, không được hưởng các quyền lợi cơ bản của mình. Đất nước không được giàu mạnh thì trẻ em không được ấm no, hạnh phúc. Với Người, trẻ em là chủ thể còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt về mọi mặt, từ sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí, đến việc bày tỏ ý kiến và tham gia những hoạt động tập thể. Quan điểm này của Người thấm đượm chủ nghĩa nhân văn và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, Người nói: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

    Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Người xác định là vấn đề mang tính chiến lược trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Điều đó được khẳng định ngay từ những năm tháng đầu tiên Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, dù trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Người vẫn luôn dành mối quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

    Khi nước nhà độc lập, các em may mắn được tiếp nhận một nền giáo dục dân chủ mới, Người đặt trách nhiệm cho các em phải làm thế nào để đền đáp công lao của các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập Tổ quốc. Người khuyên các em phải nỗ lực cố gắng, ra sức học tập để kiến thiết đất nước. Người khuyên các em cần rèn luyện đạo đức cách mạng để trở thành công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Trong Thư gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (ngày 15-5-1961), Người nêu rõ 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Thật thà, dũng cảm”. Như vậy, gắn liền quyền và trách nhiệm của trẻ em, Hồ Chí Minh từng bước nâng cao ý thức tự giác của trẻ em để phát huy mọi khả năng của các em, để trau dồi kiến thức, phẩm hạnh của mình phục vụ cho Tổ quốc.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, Người chỉ rõ: “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Trước hết, các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy; sau đó là các ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục – đào tạo và các ngành, các đoàn thể. Muốn các em trở thành những công dân tốt, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể xã hội trong việc giáo dục trẻ em, khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quan điểm hết sức sáng suốt. Nó thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với trẻ em.

    Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của Việt Nam, vì trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước.

    Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã nâng lên thành đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Đường lối của Đảng được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng kể từ khi ra đời đến nay. Hệ thống pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Quyền trẻ em đã tương đối đầy đủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế và ứng phó kịp thời với những mối quan hệ xã hội mới, tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.

    Trên tinh thần và các quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp quốc, quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05-4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-6-2017, gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng đấu tranh để đem lại các quyền cơ bản cho trẻ em, bởi Người hiểu rằng trẻ em chính là chủ nhân tương lai của đất nước, quyết định sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Người. Với tầm nhìn vượt thời đại, cho đến nay, quan điểm của Người về quyền trẻ em chính là cơ sở khoa học đầu tiên để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.


Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh Tư liệu

 

    Thấm nhuần lời dạy của Người, trong thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với nhiều chính sách kinh tế, xã hội được ban hành, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình hành động, chương trình mục tiêu, các dự án, xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí và đào tạo cán bộ quản lý, xây dựng và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các cấp địa phương, cơ sở đã nâng cao nhận thức và quan tâm về công tác trẻ em; thực hiện 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giáo dục của nhà trường thực hiện việc cung cấp kiến thức pháp lý về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em; công viên, cây xanh, sân chơi cho trẻ em, các thiết chế văn hóa cho trẻ em đã được quan tâm hơn.

    Như vậy, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về quyền trẻ em mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm của Người về quyền trẻ em trước đây, bây giờ và mãi về sau vẫn giữ nguyên giá trị và hoàn toàn phù hợp với quan điểm của thời đại: “Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai”. Đó là cơ sở cho Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.

Châu Anh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 6202
  • Trong tuần: 76,909
  • Tất cả: 11,800,229